Một trái tim nhân hậu
15/07/2021Ông lão thẫn thờ nhìn kỵ sĩ thứ nhất lướt qua trước mắt mình. Kỵ sĩ thứ hai lướt qua, và rồi lại thêm một người nữa. Cả người ông lão đã tê cứng và lạnh cóng vì những cơn gió bấc giá buốt. Đoàn kỵ sĩ lướt qua gần hết thì ông lão đã gần như là một bức tượng tuyết. Khi người cuối cùng đến gần, ông lão nhìn vào mắt anh ta và nói: “Anh có thể cho tôi đi nhờ qua con sông trước mặt được không? Dường như chẳng có một con đường nào mà một người đi bộ như tôi có thể qua được cả!”.
Ghìm cương ngựa lại, kỵ sĩ đáp: “Tất nhiên rồi. Ông hãy lên đây!”. Trông thấy ông lão đã gần như không thể nhấc nổi thân người đông cứng của mình, anh bước xuống ngựa và giúp ông trèo lên yên. Rồi người kỵ sĩ không chỉ đưa ông qua sông, mà còn đưa đến tận nhà ông cách đó chỉ vài dặm đường.
Khi cả hai gần đến căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của ông lão, người kỵ sĩ tò mò hỏi: “Tôi thấy ông đã để rất nhiều kỵ sĩ khác đi qua mà không hỏi đi nhờ. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao trong một đêm đông giá lạnh như thế này, ông lại chờ đợi đến người cuối cùng mới xin đi nhờ qua sông? Nếu tôi từ chối và để ông lại đó thì ông biết làm thế nào?”.
Ông lão từ từ bước xuống ngựa và trả lời: “Khi ta nhìn vào mắt những chàng kỵ sĩ khác, ta thấy họ không có chút quan tâm nào đến hoàn cảnh của ta cả. Thật vô ích khi đề nghị họ giúp đỡ. Nhưng khi nhìn vào mắt anh, ta thấy được sự tốt bụng và lòng nhân hậu hiển hiện rất rõ. Ngay lúc ấy ta biết rằng chính tâm hồn cao quý của anh mới có thể sẵn sàng giúp đỡ ta trong lúc khó khăn mà thôi”.
Những lời nói chân tình của ông lão khiến người kỵ sĩ xúc động sâu sắc. “Tôi thật lòng cảm ơn vì những gì ông vừa nói”, anh nói với ông lão. “Tôi mong là mình sẽ không bao giờ vì quá bận rộn với công việc đến nỗi từ chối giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn bằng lòng nhân ái và trắc ẩn của mình”.
Với những lời nói ấy, Thomas Jefferson quay ngựa đi và bắt đầu con đường đi đến thành công và trở thành tổng thống thứ ba của Mỹ.
Bình luận (Comments)